QHTD Trước hôn nhân có được làm phép cưới?

Câu Hỏi: 1/29/2018 21:49:30: Con sắp làm lễ cưới, nhưng đã trót QHTD trước, như vậy phép cưới có thành được không cha.  

QHTD trước hôn nhân có mắc tội?
Trả Lời: Việc quan hệ TD trước hôn nhân là một tội nặng, vì đi ngược lại với bản chất và mục đích của hành vi tính dục trong khuôn khổ hôn nhân. Nhưng không phải là yếu tố làm cho hôn nhân vô hiệu (không thành).
Do đó bạn hãy ăn năn sám hối và sớm đi xưng tội để được ơn tha thứ. Khi bạn cử hành bí tích hôn nhân trong tình trạng sạch tội trọng thì bạn được lãnh nhận dồi dào Ơn Chúa. 

Câu Hỏi: 1/31/2018 18:52:01 : Nhờ ad gửi dùm chị câu hỏi này tới cha, Chị và chồng chị đang trong thời gian kế hoạch, Dùng các biện pháp tránh thai như BCS, thuốc ngừa thai như vậy có tội không? Chuyện ân ái vợ chồng khó tránh được nhưng cũng không muốn có con trong thời gian này vì nhiều lý do nên đành phải làm vậy. cảm ơn ad 
Trả Lời: Theo nguyên tắc luân lý tính dục vợ chồng, việc dùng các phương pháp ngừa thai nhân tạo là trái với bản chất và mục đích của hành vi tính dục vợ chồng trong sứ mệnh làm cha mẹ. Vì thế, khách quan mà nói, việc dùng các biện pháp ngừa thai nhân tạo như BCS hoặc các loại thuốc tránh thai là mắc tội. Mức độ nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế của hai người, nên chỉ cha giải tội mới đưa ra thẩm định dựa vào lời thú tội của người đã phạm và xưng thú.
Tránh thai có mắc tội?
Nếu vì lý do chính đáng mà phải ngưng việc sinh đẻ con tạm thời hay lâu dài, thì vợ chồng bạn hãy áp dụng biện pháp ngừa thai tự nhiên như Giáo Hội hướng dẫn trong sách Giáo lý Hôn Nhân bài 6, đó là vợ chồng không ăn ở với nhau trong thời kỳ rụng trứng nơi người nữ. 
 - LM. Giuse Nguyễn Văn Úy-

Ngại ngùng khi làm dấu trước bữa ăn, phải làm sao?


[ Hỏi Đáp - Số 1 ]

Câu hỏi: 1/28/2018 10:35:32 
Ad cho mình hỏi sáng tối mình thường không đọc kinh. Ăn cơm không làm dấu. Vậy mình có mắc tội hay không? Nếu mắc tội thì tội trọng hay tội nhẹ? Làm thế nào để mình tuyên xưng đức tin ấy để mọi người khác tôn giáo cũng như cùng tôn giáo không trêu trọc?. Cảm ơn ad! 

TRẢ LỜI: Câu hỏi của bạn có thể được chia làm hai ý : Thứ nhất: Ad cho mình hỏi sáng tối mình thường không đọc kinh. Ăn cơm không làm dấu. Vậy mình có mắc tội hay không? Nếu mắc tội thì tội trọng hay tội nhẹ? Để trả lời câu hỏi của bạn, bạn cần đặt nó trên nền tảng của đức tin cậy mến trong tương quan với Thiên Chúa: 


 Giáo lý Đức tin dạy chúng ta rằng: Thiên Chúa là Cha, Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc chúng ta. Ngài còn quan phòng chở che và ban phát mọi ơn lành hồn - xác cho mỗi chúng ta. Do đó bổn phận là người con của Thiên Chúa, chúng ta phải sống hiếu thảo với Ngài. Tinh thần sống hiếu thảo được thể hiện cách cụ thể bằng đời sống cầu nguyện là thờ phượng kính mến Ngài qua việc đọc kinh sớm tối, nhất là tham dự thánh lễ Chúa Chúa Nhật (hành vi thờ phượng cao cả nhất của đời sống cầu nguyện). Ngoài ra còn cần thể hiện lòng biết ơn Chúa qua việc làm dấu cầu nguyện khi dùng bữa vv...




Điều này cũng tương tự như trong mối tương quan giữa bạn và cha mẹ của bạn, là những bậc đã sinh thành và dưỡng dục bạn. Đối với các ngài, bạn phải thể hiện tinh thần sống hiếu thảo với cha mẹ mình thế nào cho phải đạo làm con, thì đối với Thiên Chúa bạn cũng cần phải sống hiếu thảo như thế, vì Thiên Cháu còn có một vị trí tối thượng hơn cả cha mẹ chúng ta nữa. Vậy tội nặng hay nhẹ tùy vào thái độ và tâm tình mà bạn có ở mức độ như thế nào trong tương quan với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện của bạn.

 Thứ hai: Làm thế nào để mình tuyên xưng đức tin ấy để mọi người khác tôn giáo cũng như cùng tôn giáo không trêu trọc? 

Khó để trả lời câu hỏi này chính xác xét theo khía cạnh khách quan của những người không có cùng niềm tin như chúng ta. Bởi vì những người trêu trọc đó, thường có thể là những người không có thiện chí hoặc thậm chí là ác cảm hay dị ứng với niềm tin của tôn giáo của chúng ta, cho nên người ta trêu trọc, đây là thái độ thiếu tôn trọng của người ta đối với mình.
Ngại ngùng khi làm dấu
Nhưng đôi khi sự trêu trọc của người khác cũng có thể một phần là do cách bạn biểu tỏ niềm tin của mình còn vụng về, hoặc giữa niềm tin mà bạn tuyên xưng và đời sống thực tế của bạn chưa đi đôi với nhau, khiến người ta dị ứng nên trêu trọc. Tuy nhiên về phía bạn, nếu trong một môi trường bạn sống mà xét thấy có những người không có thiện cảm với đạo, hoặc có óc kỳ thị với những người có đạo, trong khi đó bạn chưa đủ hiểu biết giáo lý đức tin để trả lời cho họ một cách thuyết phục, thì bạn nên tránh những biểu tỏ bên ngoài về những cử chỉ tuyên xưng đức tin, mà hãy minh chứng cho họ qua nhân cách đạo đức tốt mà Chúa đã dạy chúng thực hành. Chúc bạn khôn ngoan và sáng suốt trong việc sống và làm chứng cho Chúa nơi môi trường bạn đang sinh sống và làm việc.

  -Lm. Joseph Nguyễn Úy-

- Bạn đọc có thể gửi câu hỏi trực tiếp về hòm thư theo địa chỉ link: https://goo.gl/X9zVR6